Những ai yêu thích các content kể chuyện ma hay review thể loại phim kinh dị sẽ không xa lạ với độ phủ sóng của kênh Simon Channel. Với giọng nói cuốn hút cùng cách kể chuyện hấp dẫn, màu sắc tư duy sáng tạo nội dung quả thật nổi bật theo cách rất riêng. Anh chàng từng lọt Top 6 cuộc thi tìm kiếm tài năng lồng tiếng cho Netflix. Gần đây nhất, kênh Simon Channel đã nhận được nút Vàng của YouTube sau hành trình 4 năm sản xuất hơn 1300 nội dung với hơn 1 tỷ lượt xem cùng 1 triệu lượt người đăng ký. Một thành công ấn tượng của một content creator chọn nội dung xây dựng kênh cũng đặc biệt.
Điều Metub Network ấn tượng nhất khi gặp phỏng vấn Simon chính là nguồn năng lượng tích cực tỏa ra với nụ cười tỏa sáng cuốn hút một cách thú vị. Cùng theo chân Metub Network “tách lớp” anh chàng Hiếu Thảo này xem hành trình trở thành một “folder” Simon Phan như thế nào nhé!
Hãy bắt đầu “tách lớp file” từ “lớp nền” căn bản nhất của Simon nhé. Nếu không phải là content creator Simon Phan, bạn sẽ giới thiệu về một Hiếu Thảo như thế nào với mọi người?
Chào mọi người, mình là Phan Hiếu Thảo. Trước đây mình học chuyên ngành Kiến trúc theo đúng định hướng và suy nghĩ của mình từ nhỏ. Khi ra trường và làm nghề được 5-6 năm, mình chuyển hướng làm content creator đến thời điểm hiện tại. Nếu dùng 3 từ miêu tả bản thân thì là lạc quan, vui vẻ và hòa đồng.
Từ ngành kiến trúc chuyển sang làm sáng tạo nội dung, nghe có vẻ là một hành trình “bẻ lái” khá thú vị với Simon?
Thực ra, mình cũng mất khá nhiều thời gian đắn đo. Bên cạnh công việc kiến trúc mình cũng có những đam mê về nghệ thuật, nghiên cứu phim ảnh riêng. Ban đầu nó thiên về sở thích mình làm khi rảnh rỗi, nên để đi đến cột mốc chuyển hướng hẳn luôn thì là cả một quá trình trong chính 5-6 năm mình làm kiến trúc.
Về phía gia đình, khi mình chia sẻ những định hướng thì mọi người có hơi hoang mang, sợ mình làm cho vui chứ chưa nghiêm túc và sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp. Khi chuyển hướng sang làm content creator, mình không nói gia đình mà khi nào có thành công nhất định rồi mới chia sẻ. Thành công của mình chính là sự khẳng định mình đang nghiêm túc với công việc.
Có điều gì đặc biệt để Simon quyết định chọn phát triển nội dung sáng tạo ở mảng phim chuyện phim kinh dị?
Mình sở hữu thế mạnh về giọng nói, ngày nhỏ cũng nghe nhiều chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn hay những câu chuyện ngắn, vô thưởng vô phạt người thân kể lại. Từ các chất liệu mình thêm thắt cho có đầu, có đuôi để hoàn hảo hơn. Ban đầu, mình bắt đầu kể chuyện ma trên TikTok - nền tảng video ngắn, thay vì kể một câu chuyện dài mình chỉ kể trong 1 phút đổ lại thôi và nó thực sự viral. Rồi với niềm đam mê yêu thích điện ảnh từ nhỏ đến lớn, mình chuyển sang nội dung review phim và bắt đầu với phim kinh dị trước cho cùng “tone” kênh trước đó. Từ đó mới quyết định đi sâu vào mảng content creator về phim luôn.
Simon muốn người xem tìm thấy và nhận được khi xem các video của mình?
Từ nhỏ, mình đã thích coi phim và kể lại những điều tâm đắc cho người khác nghe - ngày nay gọi là Spoiler đó. Có những nội dung rất hay nhưng nhiều người bận rộn, không biết cái nào thực sự hay để dành thời gian cho nó, thì mình sẽ chia sẻ lại theo cách không tiết lộ nội dung để truyền cảm hứng cho họ tìm đến thưởng thức.
Khi kể chuyện mình không có ý tuyên truyền khuynh hướng mê tín dị đoan. Mình nghĩ ai trong chúng ta cũng tò mò về một cái gì đó siêu thực, cái gì bí ẩn thì người ta thường muốn nghe. Mình tự cho mình là người kể và truyền cảm hứng để tạo sự hấp dẫn cho người nghe nhiều hơn là khẳng định trên đời có ma hay không. Với các chuyện ma, mình nghĩ yếu tố kinh dị chỉ là một phần thôi, đằng sau vẫn là câu chuyện về mối quan hệ giữa người với người, đa phần đều để lại bài học gì đó.
Vậy ngược lại, Simon có mong cầu điều gì cho bản thân khi là người làm sáng tạo nội dung?
Đầu tiên mình đã cái “nư” trước. Hồi xưa mình kể cho một hai người nghe thôi giờ có khi hàng trăm, hàng triệu người nghe. Nên mình mong muốn độ nhận diện của mình sẽ rộng hơn để mọi người được nghe chuyện mình kể nhiều hơn nữa.
Lập kênh YouTube từ năm 2019 đến nay là 4 năm, Simon đã xuất sắc đạt nút vàng YouTube với hơn 1.300 video, hơn 1 tỷ lượt xem, 1 triệu lượt đăng ký trên YouTube. Một con số rất ấn tượng với một content creator. Với Simon thì đây là cột mốc có ý nghĩa như thế nào?
Cũng là một cột mốc rất là ngầu đó chứ! Mình có được 100 triệu người đăng muốn nghe mình kể chuyện, truyền tải nội dung và cảm hứng. Thời sinh viên mình đã nghe đến nút Bạc, nút Vàng YouTube cũng nghĩ nó khá xa vời, ước gì mình là một trong số những bạn YouTuber mình hâm mộ. Và mình đã làm được rồi, có nút Vàng danh giá trong tay (cười).
Hành trình 4 năm để sở hữu được nút Vàng YouTube, có “thăng trầm” với Simon?
Thời gian đầu mình cũng khá chật vật khi từ làm nội dung trên TikTok sang làm nội dung trên YouTube. Mình thấy khá khó vì tệp người dùng giữa hai nền tảng có điểm khác nhau. Do đó, mình phải chọn lọc lại các nội dung cho đa đối tượng hơn. Ban đầu thì cũng có “ăn” nhưng rồi lại dừng, mình nghĩ thôi chắc không được rồi. Mình lại tiếp tục tìm hướng thay đổi, có một video viral và nó kéo theo các nội dung khác. Mình có thêm động lực từ đó.
Nếu nhìn lại những clip đầu tiên Simon đăng tải trên YouTube với những video hiện tại. Simon có thấy điểm giống và khác biệt gì không?
Có điểm khác biệt. Thứ nhất là sao nhìn mình thấy “ghê” còn non quá, nói chuyện cũng không chưa có từ ngữ chi tiết, giọng thì bẹt, bối cảnh quay cũng đơn giản,... Từ từ mình cũng tự nhận thấy sự thay đổi về ánh sáng quay, biểu cảm mặt cũng tự nhiên, thu hút hơn. Sau này mình cũng học thêm về lồng tiếng nên cũng có cải thiện giọng nói.
Khi làm sáng tạo nội dung thì Simon đề cao điều gì?
Đối với mình là sự hấp dẫn, rồi tới ý nghĩa. Cái hấp dẫn thu hút rồi thì những điều mình truyền tải sau đó mới có tác dụng, chứ không người xem thấy chán sẽ bỏ qua rồi.
Simon nghĩ điều gì khiến một cá nhân hay kênh nổi bật?
Với Simon, tính cá nhân thực sự quan trọng để mình đặc biệt hơn các kênh khác. Mình không thể nói mình độc tôn, trừ khi có một content độc lạ gì đó trước giờ chưa ai làm. Review phim thì cũng có người làm, nói về lifestyle thì cũng đã có người nói,... nhưng quan trọng là cách truyền tải. Mỗi người là một cá thể độc lập và có khả năng ăn nói, cái gu hài duyên dáng pha trò trong clip của mình, làm người xem tin cậy… đó chính là một trong những yếu tố tạo nên màu sắc cá nhân.
Làm content creator, Simon có nguyên tắc làm việc riêng không?
Mình nghĩ nói ra điều này nhiều người sẽ đồng ý, đó là mình không nên vì view mà đưa ra những điều gì đó tiêu cực.
Khi làm nội dung và đăng tải trên YouTube, các từ khóa như “lượt view”, “xu hướng”, “tương tác”,... có bao giờ là áp lực với Simon?
Ban đầu thì không áp lực đâu, vì lúc đó mình chưa biết gì nhiều, miễn có người xem, có người để lại bình luận ủng hộ là vui rồi. Sau đó, mình bắt đầu chú ý đồ thị báo cáo kênh có sự trồi thụt, rồi những bình luận khi được nhiều người quan tâm mình bắt đầu có áp lực.
Bên cạnh đó, khi được nhiều người chú ý, content của mình cũng bắt đầu có bình luận nhiều chiều. Ban đầu mình cũng hơi giật mình, bị sốc và buồn vì không phải bình luận nào cũng mang tính góp ý. Mình nhận ra có hai dạng người xem, một là những người chưa xem muốn coi mình review để có cảm hứng đi xem hay không, hai là người đã xem và vào coi mình nói có giống ý họ không, nếu không đúng ý họ nghĩ là để lại bình luận tiêu cực đó. Nhưng sau đó mình xem xét và coi kỹ lại, đa số các bình luận tiêu cực mình sẽ không trả lời, còn những bình luận mang nguồn năng lượng tích cực hay góp ý chi tiết thì mình sẽ phản hồi cảm ơn để thể hiện sự tiếp thu của mình.
Nếu nhìn vào những thành tích khủng, những con số ấn tượng, cơ hội, thu nhập,... content creator đang được xem là công việc rất hot, là “thế giới màu hồng”, là “vùng đất hứa”. Vậy nó có thực sự “màu hồng” với Simon hay các content creator khác không?
Em trai mình khi thấy mình đạt nút Vàng YouTube cũng có suy nghĩ muốn lập kênh. Mình không khuyên em mình nên hay không nên, nhưng mình ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc. Trước mắt, mình giỏi cái gì và làm tốt gì nhất trên nền tảng mình tham gia là hai chuyện khác nhau. Có content sẽ thích hợp làm dạng video ngắn hay video dài, rồi mình có khả năng làm tới đâu,... đó là cả một quá trình cần lên kế hoạch và sắp xếp.
Trong quá trình làm sẽ có những cản trở làm mình dễ thấy nản liền. Như ban đầu làm YouTube, Simon đâu biết kiếm tiền sao, quay dựng thế nào,.. mỗi một bước nó có một bức tường khiến mình suy nghĩ. Nó chỉ “màu hồng” khi mình đi đến bước xác định được các điều đó và duy trì được content đó hoài. Nếu mọi người để ý sẽ có những dạng content hết sạch nội dung nhanh làm mình “bí đường” và chững lại. Nên làm content creator không hẳn là “thế giới màu hồng” được.
Tạo một kênh YouTube thì dễ nhưng làm và duy trì nội dung, vận hành nó lại là câu chuyện cần nhiều sự đầu tư, nỗ lực. Có khó với Simon không?
Mình nghĩ là có khó.
Vậy quá trình để bạn duy trì được công việc sản xuất nội dung đều đặn như thế nào?
Khi YouTube có video dạng Shorts mình quyết tâm mỗi ngày đăng 2 video. Nghe cũng hơi khó nhằn nhưng content kênh của Simon có thể làm chuyện đó vì mình ngoài review còn có recap (tóm tắt) phim. Dạng content của Simon nó sẽ phù hợp với ai thích xem phim, đọc nhiều và thực sự mê chứ không lục tung hết các phim để xem thì cũng “quãi chè đậu”. Mình sẽ có những “tiểu xảo” để chọn content, ví dụ như xem những tóm tắt của nước ngoài để biết về nội dung và chuyển lại theo cách hài hước, hấp dẫn của mình.
Còn về phim ảnh ra thì mình xem đều, cách xem của mình đầu tiên là xem đánh giá IMDB, phim hay sẽ xem từ đầu đến cuối, còn xem bị đánh giá tệ mình xem 15 phút bắt đầu thấy không ổn sẽ cho qua. Mình xem nhiều phim nên nắm bắt vấn đề cũng nhanh, sẽ có cách để lưu lại. Bên cạnh đó mình cũng có làm thêm nội dung chia sẻ thông tin về kiến thức dạng video ngắn nên mỗi ngày đều ra được 2 video dạng ngắn. Mình sẽ tập trung quay content vào cuối tuần để trong tuần xếp lịch đăng dần, đảm bảo duy trì cho kênh.
Làm sáng tạo với cường độ cao như vậy, có bao giờ Simon cảm thấy bị giảm ngọn lửa nhiệt huyết chưa chưa?
Cũng có chứ, những lúc làm content không “lên” được hoặc “bí” ý tưởng là dễ làm mình “hạ nhiệt” nhất. Những lúc bí ý tưởng mình thấy bị dậm chân tại chỗ, không có gì hay hơn sao, hay ai đó làm tốt quá lại thấy mình làm tệ là tụt “mood”. Có những lần mình thấy người khác làm content hay quá cũng sung làm theo, mà không hiệu quả thì lại tự mình buồn. Hay trường hợp content bị flop, bị nhận những bình luận tiêu cực,...
Ai cũng sẽ có những khoảng thời gian đó, mình phải tự làm chuyên gia tâm lý cho mình, tạo cho mình đời sống tinh thần phong phú, tự động viên bản thân, phải là chính mình. Mình nhận ra từ cái gì mình giỏi và làm tốt nhất thì cứ duy trì, thử nghiệm thêm cũng được nhưng vẫn giữ được màu sắc của mình.
Hiện tại, nhìn vào những thành tích mình đạt được thì Simon đã thấy bản thân thành công chưa?
Mình thấy chưa, nếu có cũng nhỏ nhỏ thôi. Hiện tại dù kênh YouTube đã đạt 100 triệu người đăng ký, được nút Vàng nhưng mình chưa thấy đủ wow hay hài lòng lắm. Tương lai, mình còn muốn sẽ đầu tư cho video dài chỉn chu, chất lượng, có sự truyền cảm hứng nhiều hơn là giải trí đơn thuần.
Nếu chưa thấy bản thân đủ thành công, vậy Simon có những cảm giác tự hào nhỏ gì cho mình không?
Đến hiện tại, điều tự hào với mình đó là nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Đối với thành công ban đầu của mình cha không có khen, kể cả khi mình đạt nút Bạc YouTube. Về sau cha chia sẻ hơn nên mình rất quý mỗi khi cha gửi lời khen, lâu lâu cha cũng gửi content cho mình nữa. Mẹ thì là hậu phương vững chắc, em trai thì giới thiệu kênh mình cho bạn bè. Hồi trước, mình thấy sự công nhận của người ngoài quan trọng, càng lớn thì mình càng mong có được nó từ người nhà hơn.
Mình cũng có tự hào với bản thân. Mình nghĩ đa phần người làm nghệ thuật hay content creator đều có “cái tôi”, nhưng càng lớn mức độ tự hào sẽ có phần dè chừng. Với mình, mỗi lần tự hào hay đắc ý là có điềm nha, nên tránh dương dương tự đắc mà nên soi xét trong từng hành vi của mình.
Nói nhiều về hành trình Simon trở thành content creator rồi, vậy Simon có chiêm nghiệm kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với các bạn content creator sắp hoặc mới vào nghề không?
Từ những trải nghiệm bản thân, Simon cũng muốn chia sẻ vài điều. Đôi lúc mình có những tài lẻ, nhưng những người xung quanh không cùng tần số xem đó chỉ là trò vui của mình thôi. Nhưng ở trong môi trường, hoàn cảnh nào đó thì nó là khả năng đặc biệt của mình và có thể mang lại điều tích cực cho mọi người xung quanh.
Thứ nhất, đứng giữa việc xem đó là tài lẻ cần phát huy hay chỉ là sở thích thoáng qua thì cần thời gian để chứng minh nhưng đừng bao giờ tự ti, bỏ qua để làm mất cơ hội.
Thứ hai là khi đã làm content creator dĩ nhiên con đường sẽ không suôn sẻ. Đôi khi xui rủi làm sai, bị flop thì cũng đừng có nản, tiếp tục tập trung làm số lượng nhiều hơn. Giống như các bạn cho mình một khoảng thời gian thử thách, tới một lúc nào không thể tiếp tục được nữa thì hãy chuyển sang cái khác chứ đừng bỏ cuộc sớm.
Điều thứ ba phải kể về trải nghiệm của mình ngày trước, mình bước ra từ Đại học Kiến trúc nhưng mọi người cũng nói nếu lúc trước mình học Đại học KHXH&NV thì khả năng content của mình bây giờ phát triển hơn. Nhưng với mình thì không nghĩ vậy, mỗi thời điểm mình đưa ra quyết định đúng nhất lúc đó thôi, mỗi chặng đường đi qua đều có giá trị làm nên mình của hiện tại.
Simon nghĩ content creator có tuổi nghề không?
Mình nghĩ “phi thương bất phú”, làm content creator cuối cùng rồi cũng sẽ đưa về kinh doanh. Đó là cách để sự nghiệp mình vững vàng, nhưng mình vẫn có thể là content creator đến cuối đời cũng được.
Vậy tưởng tưởng, Simon của 10 năm nữa sẽ là một phiên bản như thế nào?
10 năm nữa lận hả, xa quá nhỉ.(cười) Simon sẽ chia sẻ về vị trí mà mình mong muốn thì chắc là một content creator có máu mặt về mảng phim, những nhận định suy nghĩ của mình vẫn có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Mình sẽ tiến sâu hơn ở mảng phim, như làm web drama để rèn luyện khả năng sáng tạo nội dung, nếu được thì lên phim điện ảnh luôn ngại gì.
Vậy còn các kế hoạch trong tương lai gần hơn?
Quan niệm của mình là không cưỡng cầu, nếu mình làm không tốt thì quay lại làm cái mình đang làm tốt nhất. Sắp tới mình sẽ thử diễn xuất, biên kịch - nếu mọi người xem kênh mình thì thấy đa phần đều là mình sáng tác như chuyện “Người chết trở về”, “Kỳ án mộng du” có nhiều cú twist nhiều tầng nhiều lớp, hệ thống nhân vật,.. mà mình khá tâm đắc.