Đuôi file PSD là một loại định dạng hình ảnh mặc định được sử dụng bằng phần mềm Adobe Photoshop, thường được dân trong nghề gọi bằng tên gọi “file tách lớp”.
Creators.psd là series “file tách lớp” các Nhà sáng tạo nội dung thuộc hệ thống của Metub Network để xem phía sau sự thành công của họ sẽ bao gồm những layer nào.
Một khi đã tìm đến và xem những video sáng tạo nội dung của Vừng trên kênh YouTube riêng, Metub Network tin chắc bạn cũng sẽ bị cuốn hút với nguồn năng lượng tích cực, những kiến thức thú vị và những trải nghiệm cuộc sống được thể hiện một cách rất gần gũi, dễ thương của cô nàng 21 tuổi này,
Vừng hiện tại là một thực tập sinh năng nổ tại Vietcetera, là sinh viên Đại học Cornell (Mỹ) và là một Content Creator lan tỏa những giá trị tích cực. Mới đây nhất, Vừng đã gây sốt khi có chuyến du lịch trải nghiệm một số nước Trung Đông. Nếu tò mò về cô nàng, cùng theo chân Metub Network “tách lớp” cô nàng Lê Nam Thuận An (2001) đáng yêu này xem hành trình trở thành một “folder” Vừng thú vị như thế nào nhé! Bạn sẽ bất ngờ với những chia sẻ, suy nghĩ hơi bị “chất lượng” của cô nàng đấy.
Hãy bắt đầu “tách lớp file” từ “lớp nền” căn bản nhất. Trước khi đến với Vừng, thử tưởng tượng Vừng gặp một người chưa biết đến Thuận An là ai thì bạn sẽ giới thiệu như thế nào?
Nếu để giới thiệu Thuận An thì mình sẽ chia sẻ bạn ấy là một sinh viên đang theo học ngành Khoa học thông tin tại Đại học Cornell (Mỹ). Bạn ấy làm rất nhiều hoạt động thú vị như là vừa thực tập tại công ty truyền thông Vietcetera, vừa có kênh YouTube riêng,... và vẫn đang trên hành trình khám phá bản thân xem những năm tiếp theo có thêm khả năng gì để thử sức ở những môi trường mới.
Vậy nickname Vừng từ đâu mà có nhỉ?
Cái tên Vừng là ba mẹ chọn cho mình. Khi mình sinh ra đời nhìn khá là nhỏ, bố mẹ nhìn mình giống hạt vừng rồi cái tên Vừng cũng theo mình từ đó tới khi lớn lên luôn. Khi lập kênh YouTube, mình cũng chỉ nghĩ làm cho gia đình xem nên đặt luôn cái tên Vừng.
Nếu dùng một đồ để đại diện cho mình, Vừng sẽ chọn gì?
Mình nghĩ cái lò sưởi sẽ hợp lý nhất (cười). Khi đi du học, mùa Đông bên Mỹ thực sự rất là lạnh nhưng khi ngồi bên lò sưởi cảm giác rất ấm cúng. Các bạn mình cũng hay bảo mình tỏa ra một năng lượng ấm áp mỗi khi chào đón mọi người. Mình cũng vui khi nghĩ tới mình có thể là một vật dụng hữu ích như thế.
Vừng lập kênh YouTube từ năm 2016 khi mới 15-16 tuổi. Vừng đã bắt đầu xây dựng kênh cho mình như thế nào?
Lúc đó mình lập mục đích cho vui, cũng để cảm ơn ba mẹ đã cho mình cơ hội được đi du học, rồi chia sẻ cuộc sống hằng ngày ở Nhật Bản cho ba mẹ - những người chưa từng được đi nước ngoài xem. Không ngờ càng ngày càng có nhiều người cũng thích xem.
Khi làm kênh cho gia đình mình xem thì khá tự do trong việc lựa chọn chủ đề, mình cũng có thể nói về những điều mình yêu một cách tự nhiên, ngẫu nhiên. Nhưng khi đã xác định làm Content Creator nghiêm túc, mình phải cân bằng giữa những điều mình thích, màu sắc riêng của mình với thị hiếu người xem để giữ một tệp khán giả nhất định. Ví dụ như với đối tượng từ 16-25 tuổi xem video của mình, các bạn sẽ có câu hỏi, trăn trở gì phổ biến nhất thì mình sẽ chọn và xem mình thích làm nội dung gì.
Khi chính thức trở thành nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, đồng nghĩa với việc mình cũng phải có trách nhiệm hơn với công việc mình chọn. Vậy Vừng có gặp khó khăn gì nhiều không?
Bản thân mình rất yêu công việc Content Creator. Mình yêu đến mức coi nó là sở thích, chứ không muốn coi là công việc chính phải làm sống chết với nó. Nếu như vậy thì nó sẽ lấy mất đi niềm vui của mình khi làm. Mình sẽ luôn ưu tiên việc học, ưu tiên công việc ở Vietcetera và ưu tiên có công việc chính trước; còn YouTube sẽ là nơi mình chia sẻ những điều mình thấy vui trong cuộc sống. Điều mình thấy khó khăn nhất là làm thế nào để cân bằng thời gian. Ngoài ra, để tìm ra một công thức quay content cho nhanh-gọn-lẹ, tìm một team đồng hành,... cũng là một quá trình mình cần học hỏi nhiều.
Ở thời điểm thực hiện bài phỏng vấn này, Vừng đang trong thời gian Gap Year và vừa kết thích chuyến du lịch khám phá một số nước ở Trung Đông. Thực sự rất ấn tượng với điều một cô gái 21 tuổi đang nỗ lực trải nghiệm. Tại sao Vừng quyết định Gap Year trong khi đã đậu vào trường Đại học Cornell?
Bình thường các bạn sẽ Gap Year trước khi vào năm nhất đại học để chắc chắn con đường mình muốn là gì. Trước đó, mình đã nghĩ bản thân chưa bao giờ phù hợp với khái niệm này, vì mình rất thích các chủ đề như quan hệ quốc tế nên nghĩ lên đại học cũng sẽ bắt nhịp được nhanh thôi. Nhưng khi đến trường, mình mới cân nhắc thêm về sự lựa chọn của mình. Nghĩ xem cái cá tính và thế mạnh của mình có thực sự phù hợp với những gì trước đây mình đã tưởng tượng không. Đứng trước những cảm xúc rất mơ hồ về bản thân như vậy, mình đã chọn Gap Year. Dù cho đây không phải là một lựa chọn phổ biến, nhưng tới một thời điểm nhất định, lựa chọn ấy luôn thôi thúc mình, khi đó mình tin rằng Gap Year là lựa chọn của mình. Vừng ở tuổi 20 đã tự tin và sẵn sàng Gap Year.
Đến hiện tại, Vừng đã đi qua bao nhiêu nước rồi?
12 nước. Năm nay đi nhiều hơn hẳn cả cuộc đời mình về trước là 10 nước.
Thật sự rất muốn nghe Vừng chia sẻ một chút về sự bắt đầu của quyết định cho chuyến hành trình thú vị này!
Trước đây mình cũng đã có cơ hội được gặp và trò chuyện với nhiều bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Mình thực sự thích nghe các bạn ấy miệt mài kể chuyện về quốc gia và quê hương của mình nhưng lúc đó mình chưa thực sự cảm nhận được. Cộng với việc mình là một người siêu tò mò, chỉ đọc hay nghe về các quốc gia thôi là chưa đủ nên nếu có cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận trực tiếp, mình sẽ đi luôn.
Trong năm mình Gap Year, việc đi du lịch có ý nghĩa hơn rất nhiều các lần trước, khi được tài trợ, hay thông qua học bổng. Dù mình rất biết ơn những cơ hội đó nhưng phần nào vẫn bị phụ thuộc. Còn ở lần du lịch này, mình đã có một mức thu nhập và tự chi trả được những hoạt động mình muốn thực hiện. Cái tâm thế đi du lịch nước ngoài lúc này cũng thoải mái và cởi mở để học hỏi nhiều hơn. Đất nước đầu tiên mình đặt chân trong chuyến đi này là Ấn Độ, cảm giác lúc đó rất là tự hào về bản thân.
Vừng có nói trên vlog mục đích chuyến đi là muốn tìm thấy bản thân mình?
Mình có đọc được một câu trên Linkedin “I want to be a person that I need when I younger” - “Tôi muốn trở thành một người mà ngày xưa phiên bản trẻ của tôi thấy tự hào”. Mình muốn bản thân là người có nhiều hành trình độc đáo và có thể chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích cho người khác. Mọi hoạt động mình tham gia luôn có mục đích rõ ràng và khi đã xác định được mục tiêu thì mình sẽ cố gắng đạt được bằng mọi giá. Và sau mỗi hoạt động mình thực hiện, mình nghĩ có thể viết lại một cái gì đấy ý nghĩa cho… bảo tàng năm 80 tuổi của mình chẳng hạn.
Vậy còn điều Vừng thích nhất trong những chuyến đi này là gì?
Mình cảm thấy được kết nối với tất cả mọi người trên thế giới nhiều hơn. Thời gian tới khi quay lại trường đại học ở bên Mỹ, mình sẽ gặp rất nhiều bạn đến từ nhiều quốc gia và với những trải nghiệm mình đã có cũng sẽ dễ dàng bắt chuyện và có sự kết nối sâu sắc hơn với mọi người. Với những trải nghiệm tuyệt vời trong năm vừa rồi, mình cảm thấy bản thân được mở mang đầu óc, cởi mở khi gặp bất cứ chủ đề gì trên thế giới, đọc một cuốn sách hay xem một thông tin gì mới, mình cảm thấy có thể suy nghĩ bình tĩnh, sáng suốt phân tích ra được đâu là cái mình muốn nghe, đâu là sự thật ,... Mình thông hiểu truyền thông và có góc nhìn rộng mở, chọn lọc hơn.
Nhìn vào Vừng sẽ thấy rất mạnh mẽ một nguồn năng lượng dám nghĩ, dám làm, dám trải nghiệm và không sợ thất bại. Có vẻ như, Vừng là một cô gái không có giới hạn cho mình về “vùng an toàn”?
Mình có một điểm yếu là không bao giờ hài lòng với bản thân, nên khi có hơi hội đến, mình lập tức nắm bắt để phát triển bản thân tới phiên bản tốt hơn. Thực ra đây cũng là con giao hai lưỡi nhé. Nhưng mình phải quyết liệt và sáng tạo với điều mình làm. Mình cũng không quá để tâm khi bị từ chối hay bị người khác đánh giá… vì mình cũng bị từ chối nhiều lần khi ứng tuyển vào một số vị trí thực tập hay các trường đại học khác nhau rồi. Từ đó mình cũng thấy bản thân can đảm hơn, dám đương đầu và không sự thất bại nữa.
Mình nghĩ có một sự khác nhau nhất định giữa việc mình bước ra khỏi vùng an toàn với việc mình làm một việc không có chính kiến, chủ đích hay kế hoạch. Đối với mình, bước ra khỏi vùng an toàn là cần có kế hoạch, biết được mục tiêu trong hành trình tiếp theo là gì, mình phải đánh đổi điều gì, nếu trường hợp mình bị mất đi điều đó thì còn thấy hài lòng hay an toàn không,... Mình hay đánh giá những tiêu chí đó trước khi bước ra khỏi vòng an toàn trước đây của mình.
Thời điểm hiện tại, Vừng 21 tuổi thực sự đã đánh dấu cho mình rất nhiều cột mốc ấn tượng. Vậy tưởng tượng, Vừng của 5 năm, 10 năm sau sẽ là một phiên bản như thế nào?
Mình nghĩ khi trả lời câu hỏi này chắc chắn nó sẽ sai với những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Bây giờ quay trở lại quá khứ để hỏi Vừng năm 11 tuổi, chắc chắn mình không bao giờ nghĩ sẽ trở thành YouTuber hay làm truyền thông. Mình là một người thích những thứ mới lạ, và với sở thích như thế thì con người của mình luôn luôn thay đổi.
Nhưng ở thời điểm này, nếu phải trả lời câu hỏi đó, mình nghĩ rằng muốn đóng góp giá trị mang tính giáo dục. Ví dụ như làm hiệu trưởng, giảng viên, cố vấn sinh viên,... Mình rất thích môi trường cấp 3 hay đại học, vì đây là lúc các bạn trẻ có nhiều hoài bão, trăn trở như mình bây giờ. Còn về các kỹ năng, mình vẫn sẽ tiếp tục trau dồi kỹ năng truyền thông của bản thân và tiếp tục đam mê này bất cứ khi nào mình có thời gian.
Nếu để gửi một lời đến bản thân 10 năm sau, mình sẽ muốn hỏi: “Bạn đã ủng hộ được bao nhiêu tiền vào quỹ học bổng bạn được nhận hồi cấp 3 rồi?”. Thực sự, quỹ học bổng mà mình được nhận đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Mình ngưỡng mộ và biết ơn những người đã đầu tư tiền cho các quỹ học bổng. Họ sẵn sàng trao đi mà không cần nhận lại. Họ trao đi mà không yêu cầu người nhận phải biết danh tính của họ. Vì thế, mình hy vọng 10 năm nữa mình cũng tiếp nối được sứ mệnh ý nghĩa này.
Nhìn lại cả một hành trình và những trải nghiệm đã đi qua, điều Vừng tự hào nhất ở bản thân là gì?
Mình tự hào là mình thích sự thất bại. Gần đây, mình được nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, hay ngồi xem Vietcetera phỏng vấn các CEO. Và mình thấy có một nguồn năng lượng chung ở họ là không sợ sự thất bại. Mình thích việc mình cũng có sự tự tin và dũng cảm đấy. Mặc dù mình chưa là một nhà khởi nghiệp, dù thất bại hay không cái giá trả về cũng không quá lớn nhưng thực sự để vượt qua được nỗi lo thất bại cũng không phải điều dễ dàng đạt được ở một người tuổi còn nhỏ. Nhưng mình vẫn đang cố gắng hàng ngày và nhờ có những tính cách đấy mà mình có thể làm được những công việc hiện tại như làm YouTube hay đi du lịch nước ngoài.
Còn các kế hoạch sắp tới, Vừng sẽ còn muốn thực hiện, chinh phục những điều gì mới đây?
Đối với mình, thử thách lớn nhất khi quay lại trường ở kỳ học tiếp theo là mình thử sức với ngành học Khoa học thông tin - sau khi chuyển ngành 2 lần. Sau đó là tìm một công việc thực tập phù hợp với mình ở Mỹ.
Còn với YouTube, mục tiêu của mình là những video mới sẽ hay hơn những video cũ. Một giá trị trường tồn với mình đó là Giáo dục, nên bất cứ video nào mình làm cũng có những dấu ấn của sự nghiên cứu thông tin. Còn các chủ đều khác sẽ thay đổi theo trải nghiệm thực tế từ đời sống cá nhân của mình như du lịch, đi làm thực tập hay kể cả những khó khăn mình gặp phải trong cuộc sống,... với sự chắt lọc thông tin mình mong rằng các video của mình sẽ hữu ích với mọi người.
Về việc đi du lịch, mình không quan trọng số lượng phải đi được bao nhiêu nước để khoe với người khác, mà ở chất lượng, sau mỗi chuyến đi, bài học mình đúc kết được là gì. Vì thế mình không tạo áp lực cho bản thân chạy theo số khi đi lịch, mà mình thấy khi nào mình đủ kiến thức và thiếu trải nghiệm gì thì sẽ bù ở đó.
Đến cuối buổi phỏng vấn rồi, thực sự rất thích nguồn năng lượng tích cực mà Vừng tỏa ra từ đầu đến giờ. Để kết lại buổi trò chuyện hôm nay, Vừng chia sẻ tips để giữ năng lượng tích cực dồi dào đến vậy nhé!
Mọi người thấy mình hoạt ngôn trên video nên có thể nghĩ mình hướng ngoại, nhưng thực sự mình là một người hướng nội, khi có thời gian rảnh thì mình sẽ ngồi một mình lấy lại năng lượng. Mình biết có rất nhiều người trên thế giới vẫn có thể là một người lãnh đạo tốt, hoạt ngôn bởi sự luyện tập. Bill Gates có chia sẻ: “Hướng ngoại là kỹ năng, chứ không phải việc hướng ngoại hay hướng nội quyết định mình có giỏi nói trước đám đông không”. Mình luôn nghĩ việc chia sẻ trên video, trước đám đông hay trong cuộc họp thì năng lượng tỏa ra từ mình cũng cho thấy mình có tâm huyết với công việc, nghiêm túc với những điều mình nói hay không. Mình đã luyện tập trước gương để nói tốt hơn, mặc dù bản tính mình không nói nhiều như thế này.